Site banner
Thứ ba, 13. Tháng 5 2025 - 20:52

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Một mô hình trồng màu đạt hiệu quả kinh tế cao

Với diện tích 2.000m2 đất sản xuất lúa do cha mẹ để lại, đời sống kinh tế của hộ anh Nguyễn Minh Lý ngụ tại ấp Tân Bình xã An Phú Trung (Ba Tri) gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập từ 3 vụ lúa mỗi năm chỉ từ 5 đến 6 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Anh phải đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của một số hộ có trồng rau màu trên địa bàn huyện Ba Tri, anh Nguyễn Minh Lý đã mạnh dạn lên liếp toàn bộ diện tích đất của gia đình để trồng rau màu. Bước đầu, anh chọn dưa leo để sản xuất. Mặc dù đây là lần đầu tiên trồng rau màu, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó lao động cũng như học tập và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng dưa leo của anh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Qua thời gian trồng 30 ngày, diện tích dưa leo của anh bắt đầu cho trái. Trung bình mỗi ngày, anh thu được từ 300kg đến 320kg. Với giá thu mua tại ruộng mỗi ký là 3.000 đồng, mỗi ngày anh thu được từ 900.000 đến hơn 950.000 đồng. Theo đánh giá, diện tích dưa của anh có thể cho trái liên tục trong thời gian 30 ngày. Ước tính tổng sản lượng thu hoạch trên 7 tấn, trừ chi phí sản xuất, diện tích dưa leo của anh cho lãi từ 9 đến 10 triệu đồng.
Ngoài trồng dưa, anh Nguyễn Minh Lý còn chăn nuôi thêm bò, vịt, gà và cá nhằm tận dụng phế phẩm. Trong quá trình nuôi, anh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Phương pháp sản xuất khép kín như trên đã giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Từ thành công bước đầu, anh Nguyễn Minh Lý dự kiến sẽ cải tạo hoàn chỉnh hơn mô hình. Trong vụ tới, anh đào sâu các ao, mương trong diện tích đất trồng màu để nuôi cá.  Đồng thời, diện tích canh tác rau màu được sử dụng phân, thuốc hữu cơ vi sinh để đảm bảo môi trường chăn nuôi.
Không chỉ tự tìm tòi nghiên cứu, anh Nguyễn Minh Lý còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với bà con xung quanh. Anh sẵn sàng hướng dẫn bà con về kỹ thuật để cùng sản xuất có hiệu quả.
Được biết, xã An Phú Trung có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đại đa số người dân trong xã sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi. Trong thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, bên cạnh đó, giá lúa không ổn định nên thu nhập của bà con nông dân không cao. Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng rau màu của anh Lý cho thấy, cây rau, màu thích nghi được với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Hiệu quả kinh tế của cây rau màu có thể cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Hiện tại, các ngành chức năng huyện Ba Tri đang tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích chuyên trồng lúa sang luân vụ lúa - màu. Qua thời gian thử nghiệm ở một số nơi, mô hình luân vụ lúa - màu đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Đồng thời, diện tích đất trong các mô hình được cải tạo ngày một tốt hơn. Mô hình luân vụ lúa - màu tại huyện Ba Tri được xem là mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, cần được nhân rộng

Nguồn: Báo Đồng Khởi